Ấn Giáo Như Lai Thiền
Hỏi: Tổ Sư thiền và Như Lai thiền khác nhau như thế nào ?
Đáp: Như Lai thiền là dùng cái biết để tu, có giai cấp: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác, tổng cộng gồm có 52 cấp. Còn Tổ Sư thiền không có cấp bậc, nhưng có tam quan: Sơ Quan, Trùng Quan và Mạt Hậu Lao Quan. Kỳ thật, có người khỏi cần phải qua Sơ Quan, Trùng Quan, có khi thẳng đến Mạt Hậu Lao Quan.
Cho nên giáo môn tụng kinh là tu. Quán Tông Tự của Ngài Đế Nhàn, mỗi thời tụng kinh phải 2 giờ, mỗi ngày 3 thời. Nếu tụng không đủ 2 giờ thì Ngài quở cho là làm biếng. Vì tụng kinh đến đâu là quán tưởng đến đó, gọi là tùy văn quán tưởng, tức là đang tụng kinh là đang tu thiền quán, chứ không phải tụng cho Phật nghe.
Hỏi: Như Lai thiền dùng cái “biết” để tu, tu khác với Tổ Sư thiền như thế nào?
Đáp: Như Lai thiền là dùng cái “biết” để tu, còn Tổ Sư thiền dùng cái “không biết” để tu. Bộ não của mình gồm có 2 mặt: Mặt biết và mặt không biết. Dùng mặt biết để tu là Như Lai thiền, Như Lai thiền của Phật dạy, còn dùng cái biết của tà ma ngoại đạo thì không phải.
Dùng cái không biết cũng là Phật Thích Ca dạy, do Phật Thích Ca truyền xuống cho Ma Ha Ca Diếp, rồi Ma Ha Ca Diếp truyền cho A Nan, A Nan truyền cho Thương Na Hòa Tu,… từ Tổ từ Tổ truyền xuống, nên gọi là Tổ Sư thiền. Thiền này chỉ hỏi và nhìn, hỏi là kích thích niệm không biết, nhìn là giữ niệm không biết được kéo dài.
Tu Như Lai thiền gồm có 52 cấp (Thập Tín,Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác). Tổ Sư thiền từ địa vị phàm phu tu chứng Phật quả, không qua giai cấp nào.
Hỏi: Tiểu thừa thiền và Đại thừa thiền có phải thuộc về Như Lai thiền không?
Đáp: Những pháp thiền do Phật dạy dùng cái biết để tu là Như Lai thiền, như phạm vi thiền thì khác. Tiểu thừa thiền là muốn dứt lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Vì Tiểu thừa cho rằng lục căn tiếp xúc lục trần sanh ra phiền não, nên phải dứt lục căn mới hết phiền não. Lục trần là vật chất, theo triết lý gọi là Duy Vật Luận.
Trung thừa biết dứt lục căn là không đúng, vì muốn dứt lục căn thì phải giữ một niệm, chính một niệm đó gọi là nhất niệm vô minh, cũng từ đó sanh ra phiền não. Nhưng nhất niệm đối với pháp trần thì ở trong nội tâm, nên triết lý gọi là Duy Tâm Luận.
Đại thừa không dứt lục căn, không dứt nhất niệm vô minh, chỉ cần phá vô thỉ vô minh (căn bản vô minh).
Đánh giá
There are no reviews yet