Thanh Tịnh Đạo Giảng Giải Giới Và Định
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) do ngài Buddhaghosa biên soạn có thể được đánh giá là một siêu siêu luận văn Tiến sĩ Phật học do bởi tính quy mô về chuyên môn và tầm ảnh hưởng của nó trong giới nghiên cứu cũng như đối với hàng học Phật. Dựa vào một đoạn kệ bốn câu trong Tương Ưng Kinh (Saṃyutta Nikāya), ngài Buddhaghosa đã soạn ra luận văn này, vốn được xem là Sớ Giải tổng quát cho toàn bộ Giáo Lý của Đức Phật và là một cẩm nang hành thiền thiết yếu và đắc dụng cho người tu Phật. Trong luận văn, ngài đã phân tích rõ ràng và hướng dẫn thực hành chi tiết từng thành tố của Tam Học (Giới – Sīla, Định – Samādhi và Tuệ – Paññā) với mục đích hướng hành giả đạt đến sự giải thoát thanh tịnh: Níp-bàn (Nibbāna).
Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Giảng Giải: Giới Và Định này là tập 1 của bộ sách hai tập được chúng tôi thực hiện (chuyển ngữ và biên soạn) từ các bài giảng về Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) bằng tiếng Anh của ngài Sayadaw U Sīlānanda. Chúng tôi đã bắt đầu đặt bút phiên dịch những câu chữ đầu tiên của các bài giảng vào ngày 30/12/2016. Với gần hai năm gián đoạn trong việc biên dịch vì các lý do cá nhân, phải mất gần một năm rưỡi, chúng tôi mới hoàn thành được tập 1. Đối với bản thân chúng tôi, thực hiện tác phẩm này khá là công phu và được xem như là một công trình nghiên cứu. Sau đây là một vài chi tiết chúng tôi muốn chia sẻ cùng quý độc giả và mong quý độc giả hãy ghi nhận những chi tiết này trước khi tiến vào đọc tác phẩm. Những chi tiết này sẽ giúp quý độc hiểu được bối cảnh ra đời của tác phẩm và cách thức đọc cũng như cách tiếp cận tác phẩm:
1. Có ít nhất hai bản dịch Anh ngữ hiện hành của tài liệu Visuddhimagga: The Path of Purity do Pe Maung Tin thực hiện và The Path of Purification do Bhikkhu Ñāṇamoli thực hiện. Bản dịch của Bhikkhu Ñāṇamoli thật ra không chỉ là bản chuyển ngữ trực tiếp từ luận văn Visuddhimagga của ngài Buddhaghosa bởi trong tác phẩm của mình, Bhikkhu Ñāṇamoli còn có dịch trích dẫn từ tài liệu Paramatthamañjūsā (tức là Phụ Sớ Giải (Ṭīkā) của Visuddhimagga) cũng như thực hiện việc tra cứu và cung cấp nhiều nguồn trích từ các Chánh Văn (Pāḷi) và các Sớ Giải (Aṭṭhakathā) khác. Ngài Sayadaw U Sīlānanda đã dùng bản The Path of Purification của Bhikkhu Ñāṇamoli làm giáo trình cho các bài giảng của mình đến một lớp học tại Hoa Kỳ. Một trong những lý do có lẽ là vì bản dịch này phổ biến hơn trong giới độc giả Tây phương.
2. Trong quá trình giảng dạy, ngài Sayadaw U Sīlānanda đã phân tích thêm và có chỉ ra những sai sót trong bản dịch. Các học viên đã ghi âm lại các bài giảng. Chúng tôi không có tham dự lớp học, chỉ tiếp nhận lại các file ghi âm và những sao chép lại từ những file này. Trong quá trình biên dịch, chúng tôi ghi nhận có một vài điểm thiếu sót và không tương đồng giữa các file ghi âm và những sao chép. Thứ nhất, những tài liệu này hoàn toàn thiếu phần cuối của đề mục Niệm Pháp và toàn bộ đề mục Niệm Tăng của chương thứ bảy (do đó, đây là những phần thiếu sót trong tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Giảng Giải: Giới Và Định do chúng tôi thực hiện). Thứ hai, không có Lời Nói Đầu vii file ghi âm nhưng lại có những sao chép cho phần về ân đức Bhagavā trong đề mục Niệm Phật của chương thứ bảy (vì vậy, chúng tôi không thể tiến hành việc nghe lại file ghi âm nếu gặp những vấn đề đáng nghi hoặc trong phần sao chép). Thứ ba, không có những sao chép lại cho các file ghi âm về các đề mục Niệm Giới, Niệm Thí và Niệm Thiên của chương thứ bảy cũng như phần cuối của chương thứ mười hai (cho nên, chúng tôi phải tiến hành việc nghe các file ghi âm và sao chép lại các bài giảng trước khi thực hiện việc biên dịch). Các tài liệu chúng tôi có được này chỉ là những bài giảng trực tiếp từ ngài Sayadaw U Sīlānanda chưa qua bất kỳ một quá trình biên tập nào. Hơn nữa, trong quá trình giảng dạy, ngài có lược bỏ qua những chi tiết hiển nhiên và dễ hiểu không cần giải thích. Do đó, khi biên dịch, chúng tôi nhận ra rằng, để có thể theo dõi và hiểu được những bài giảng này (thông qua việc đọc tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Giảng Giải: Giới Và Định do chúng tôi thực hiện), quý độc giả Việt Nam cần phải có bên cạnh mình một dịch phẩm Việt ngữ của luận văn Visuddhimagga.
3. Hiện nay có khá nhiều tác phẩm về Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đang được lưu hành. Hai trong số đó được chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến là Thanh Tịnh Đạo của Tỳ-khưu Ngộ Đạo và Thanh Tịnh Đạo của Thích nữ Trí Hải. Thanh Tịnh Đạo của Tỳ-khưu Ngộ Đạo là bản dịch Việt trực tiếp từ bản Visuddhimagga của ngài Buddhaghosa. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của chúng tôi, bản lưu hành của tác phẩm này hiện tại chỉ bao gồm hai phần Giới và Tuệ. Hơn nữa, vì là bản chuyển ngữ trực tiếp từ Visuddhimagga, trong bản dịch này không có những chi tiết giải thích thêm từ Paramatthamañjūsā như trong bản dịch The Path of Purification của ngài Bhikkhu Ñāṇamoli mà ngài Sayadaw U Sīlānanda đã dùng làm giáo trình cho lớp học của ngài. Cho nên, việc sử dụng tác phẩm Thanh Tịnh Đạo của Tỳ-khưu Ngộ Đạo là không thích hợp ở đây vì nó không đầy đủ phục vụ cho việc theo dõi những bài giảng của ngài Sayadaw U Sīlānanda. Thanh Tịnh Đạo của Thích nữ Trí Hải là bản dịch Việt từ bản The Path of Purification của ngài Bhikkhu Ñāṇamoli. Đây thật sự là một điều may mắn và do đó, chúng tôi khuyến khích quý độc giả nên sử dụng dịch phẩm này để đọc cùng với tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Giảng Giải: Giới Và Định do chúng tôi thực hiện.
4. Như đã được trình bày ở trên, trong quá trình giảng dạy của mình, ngài Sayadaw U Sīlānanda đã chỉ ra những sai sót trong bản dịch Anh ngữ The Path of Purification của ngài Bhikkhu Ñāṇamoli. Vì tác phẩm Thanh Tịnh Đạo của Thích nữ Trí Hải là bản dịch Việt của tác phẩm The Path of Purification của ngài Bhikkhu Ñāṇamoli, cho nên, những sai sót trong bản The Path of Purification (được ngài Sayadaw U Sīlānanda chỉ ra) hầu như đều xuất hiện trong bản Thanh Tịnh Đạo của Thích nữ Trí Hải. Hơn nữa, trong tác phẩm của mình, Thích nữ Trí Hải đã lược dịch, bỏ qua khá nhiều chi tiết (có lẽ được dịch giả xem là không quan trọng). Nhưng với sự phân tích của ngài Sayadaw U Sīlānanda, những chi tiết này là cần thiết cho việc hiểu sâu và trọn vẹn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Cho nên, chúng tôi khuyến khích quý độc giả lưu tâm đến những điểm này trong quá trình đọc Thanh Tịnh Đạo Giảng Giải: Giới Và Định do chúng tôi thực hiện.
5. Để giúp cho quý độc giả tiện theo dõi và định vị, chúng tôi có đính kèm khá nhiều chú thích ở cuối mỗi trang. Chúng tôi khuyến khích độc giả ghi nhận và đọc những chú thích này để có thể hiểu rõ nội dung, chi tiết, văn cảnh và các phân tích muốn trình bày trong các bài giảng. Chúng tôi cũng có dịch và đính kèm vào phần Phụ Lục cuối sách một vài bảng nêu để giúp quý độc giả tiện theo dõi và thống kê các chi pháp. Phước thiện này đã không thể được thành tựu viên mãn nếu không nhờ vào sự động viên, hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tâm của các vị thầy và của rất nhiều đạo hữu. Chúng tôi trước hết xin tri ân đạo hữu Bảo Đăng (Ratanadīpa) đã trao tặng cho chúng tôi các file ghi âm và những sao chép, và đã khuyến khích chúng tôi biên dịch tác phẩm ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân đến ITBMU. Và sẽ là một điều vô cùng thiếu sót nếu chúng tôi không ghi nhận và tán dương công đức của các học viên của lớp học đã thực hiện việc ghi âm và các đạo hữu (không rõ danh tánh) đã dành vô số thời gian quý báu sao chép lại các bài giảng từ những file ghi âm (có tự mình trải nghiệm qua, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được tính trần ai của công việc này).
Chúng tôi xin đặc biệt tri ân Sayadaw U Issariya và Ashin Ācāra đã giải đáp cho chúng tôi những thắc mắc mang tính chuyên môn trong quá trình biên dịch. Đạo hữu Thiện Tuệ đóng vai trò chính yếu trong việc đọc kỹ bản thảo và góp ý chỉnh sửa lời văn. Đạo hữu cũng là người trình bày bản thảo và là người đại diện chúng tôi liên hệ với nhà xuất bản và nhà in.
Các đạo hữu Tâm Lan, Tuệ Phương, Tâm Hiền, Vũ Thị Châu Giang và Lê Xuân Phi đã dành rất nhiều thời gian và công sức kêu gọi hùn phước và giúp lưu hành ấn phẩm đến tay độc giả. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga đã dành thời gian quý báu xem qua bản thảo. Các đạo hữu trên Facebook đã trợ giúp tìm kiếm các nguồn tài liệu và cung cấp những kiến thức phổ thông khi chúng tôi cần. Chúng tôi vô cùng tri ân sự quan tâm và hỗ trợ quý báu của tất cả các đạo hữu. Chúng tôi cũng nhân dịp này gửi lời cám ơn chân thành đến Tu nữ Phước Thủy và các Phật tử tại chùa Bửu Quang, Thủ Đức đã giúp chúng tôi dâng sách đến các tự viện cũng như phân phát sách đến các Phật tử tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng xin ghi nhận và tán dương công đức của tất cả các đạo hữu trong nước và hải ngoại đã đóng góp tịnh tài hùn phước in ấn và vận chuyển tác phẩm đến tay độc giả. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo hộ trì cho các đạo hữu thân tâm thường an lạc và vững bước trên đường tu học. Dầu cẩn thận đến mức nào, chúng tôi vẫn khó có thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình biên dịch. Kính mong các bậc tôn túc trưởng thượng và quý độc giả lượng tình bỏ qua và chỉ bảo, chúng tôi sẽ tiếp nhận bằng sự tri ân. Chúng tôi xin chia đều phần phước phát sanh từ việc thiện này đến thầy tổ, gia quyến và tất cả chúng sanh trong tam giới, đặc biệt là cố song thân của chúng tôi. Mong cầu phước thiện này hãy hộ trì cho tất cả luôn được an vui, có trí tuệ và tu hành tinh tấn chóng đến ngày giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi Pháp Thí Thắng Mọi Thí (Sabbadānaṃ Dhammadānaṃ Jināti). Chúng tôi nguyện cầu do phước thiện này, quả vị Phật Chánh Đẳng Giác sẽ trở thành hiện thực cho chúng tôi trong ngày vị lai (Iminā puññakammena sammāsambuddho homi anāgate).
Đánh giá
There are no reviews yet